[Bách khoa toàn thư về mụn] Phân loại và cách điều trị mụn tận gốc 2020

Mụn có tác động không nhỏ đến thẩm mỹ và sự tự tin của mỗi người. Tuy vậy, chúng không hề đáng sợ nếu chúng ta “biết địch biết ta”. Hãy cùng mỹ phẩm Caryophy trang bị những kiến thức tổng quan và nền tảng về mụn để điều trị đúng cách và ngăn ngừa mụn quay trở lại.

Mụn là gì?

Mụn là một loại bệnh da liễu phát sinh từ sự rối loạn các chức năng của hormone và tuyến nhờn dưới da (bao gồm tuyến bã nhờn và các nang lông), từ đó hình thành nên những tổn thương trên da.

Biểu hiện của mụn là những khối u nhỏ trên bề mặt da, có thể kèm theo sưng, đỏ và đau.

Nguyên nhân và cơ chế hình thành mụn

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mụn nhưng chia thành 2 nhóm lớn: các yếu tố từ bên trong và các yếu tố từ bên ngoài.

Nhóm các nguyên nhân từ bên trong:

  • Thức khuya, lo âu căng thẳng, stress
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
  • Độc tố bên trong cơ thể không được thải ra ngoài
  • Mắc các bệnh nội tiết như bệnh cường giáp trạng, bệnh buồng trứng đa nang,…

Nhóm các nguyên nhân từ bên ngoài:

  • Vi khuẩn P.Acnes sinh sôi quá mức cho phép
  • Mỹ phẩm có chứa thành phần gây bít tắc lỗ chân lông như dầu khoáng, hương liệu, chất bảo quản,…
  • Môi trường sinh sống và làm việc nhiều hóa chất, ánh nắng hay ô nhiễm
  • Sự thay đổi thất thường của thời tiết
  • Chế độ chăm sóc da sai lầm
  • Sử dụng thuốc có thành phần làm tăng mụn, phổ biến nhất là corticoid, isoniazid,…

Cơ chế hình thành mụn:

Cơ chế hình thành mụn trứng cá
Cơ chế hình thành mụn trứng cá

Nắm được cơ chế hình thành mụn sẽ giúp bạn nhanh chóng khoanh vùng giai đoạn phát triển của mụn. Từ đó có thể tìm được phương pháp điều trị và chăm sóc da hợp lý.

  • Bước 1: Sự thay đổi hormone hoặc mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến làn da tiết bã nhờn nhiều hơn
  • Bước 2: Chất nhờn kết hợp với tế bào chết, bụi bẩn tích tụ ở lỗ chân lông làm tắc nghẽn lỗ chân lông, xuất hiện các nhân mụn, hình thành mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
  • Bước 3: Lỗ chân lông bị tắc nghẽn làm vi khuẩn P.Acnes không thoát ra được và sinh sôi nhiều hơn. Khi đó, bạch cầu “nhận lệnh” tiêu diệt vi khuẩn P.Acnes, gây ra phản ứng viêm, làm xuất hiện mụn viêm.

Đọc thêm bài viết này để hiểu rõ hơn về Quá trình hình thành mụn và cách chữa trị cho từng giai đoạn

Phân loại mụn

Việc xuất hiện các loại mụn khác nhau là những gì xảy ra với nhân mụn. Thay vì bối rối với các thông tin tràn lan trên internet, hãy cùng Caryophy “biết mặt gọi tên” từng loại mụn sau đây.  

Mụn trứng cá

Dựa trên cơ chế hình thành, mụn trứng cá được chia làm 2 loại

Mụn không viêm (non-inflammatory acne):

Mụn ẩn dưới da (microcomedones)

Mụn ẩn là loại mụn rất khó nhìn thấy nhân mụn và đầu mụn. Loại mụn này thường chỉ nổi cộm lên thành đốm đỏ nằm sâu dưới da.

Mụn ẩn

Mụn đầu trắng (whiteheads)

Mụn đầu trắng còn được gọi là mụn cám. Cùng với mụn đầu đen, đây cũng là loại mụn xuất hiện sớm nhất trên da. Mụn được bao bọc dưới da, không hở nên còn gọi là dạng mụn đóng (closed comedones).

Mụn đầu trắng có kích thước dao động khoảng 1-2 mm, có cùng màu với da hoặc màu trắng. Đôi khi cần phải kéo căng da để thấy rõ được mụn. Mụn đầu trắng thường xuất hiện với số lượng nhiều, phân bố chủ yếu ở trán, mũi và cằm

Mụn đầu trắng

Mụn đầu đen (blackheads):

Mụn đầu đen xuất hiện ở bề mặt da, còn được gọi là dạng mụn nhân mở (open comedone). Do không có da bao bọc bên ngoài nên các nốt mụn tiếp xúc với không khí bị oxy hóa và nhân mụn chuyển sang màu đen.

Mụn đầu đen khá nhỏ, kích thước 1-2 mm, không gây đau nhứt. Loại mụn không viêm này dễ dàng tìm thấy ở vùng trán, 2 bên má và đặc biệt là mũi.

Mụn đầu đen

Mụn viêm (inflammatory acne)

Mụn viêm đỏ, mụn sẩn (papules):

Mụn đầu đen và mụn đầu trắng khi không được điều trị sẽ phát triển thành mụn viêm đỏ.

Khi cơ thể ra lệnh cho bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn P.Acnes sẽ xuất hiện tình trạng viêm. Điều này vô tình phá hủy luôn cả phần mô ở vùng da xung quanh. Do đó, mụn viêm đỏ là các nốt mụn màu đỏ gồ lên trên mặt da, kích thước dưới 5 mm, không thấy đầu mụn nhưng có cảm giác sưng, khi chạm vào sẽ thấy đau

Số lượng ít hay nhiều còn tùy thuộc vào mức độ, phân bố rải rác ở da mặt, đôi khi xuất hiện ở ngực trên hoặc vùng lưng trên.

Mụn viêm đỏ

Mụn mủ (pustules)

Mụn mủ là giai đoạn tiếp theo của mụn viêm đỏ, khi phản ứng viêm đã xảy ra được một thời gian.

Mụn có mủ là những chấm màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng ở chính giữa mụn. Mủ là xác chết của vi khuẩn và tế bào miễn dịch sau khi tế bào này tiêu diệt vi khuẩn. Xung quanh là viền viêm màu đỏ, cảm giác đau nhẹ.

Do quá trình viêm đã xảy ra lâu nên khả năng tạo sẹo khi bị mụn mủ là rất cao. Loại mụn này phân bổ rải rác ở bất kỳ vị trí nào trên mặt.

Mụn mủ

Mụn bọc (nodules)

Mụn bọc là biểu hiện của làn da tổn thương nặng. Tuy nằm sâu dưới da nhưng mụn bọc có khả năng gây ra những vết sưng, nổi gồ trên da.

Thông thường, các nốt mụn với kích thước lớn hơn  0.5 cm, có khi lớn hơn 1cm này có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng.

Do tổn thương đến tầng đáy của da nên mụn bọc có khả năng gây sẹo thâm, sẹo lõm. Thường xuất hiện ở mặt, cổ, lưng và ngực, mụn bọc có thể lan ra tạo thành những mảng lớn.

Mụn bọc

Mụn nang (cysts)

Nhìn bề ngoài, mụn nang trông giống như mụn bọc với cục nhọt lớn, màu đỏ hoặc trắng gây đau. Cũng nằm sâu bên dưới da nhưng các mụn nang chứa đầy mủ nên mềm hơn mụn bọc. Khi vỡ ra, mụn nang thường dẫn đến nhiễm trùng.

Mụn nang

Mụn thâm

Mụn thâm là thâm mụn hình thành sau khi da bị tổn thương. Tế bào da non được mới được sinh ra rất dễ nhạy cảm với tia cực tím, ánh sáng mặt trời nên sẽ tăng tốc độ sản sinh melanin, dẫn đến tình trạng vùng da mới trở nên sậm màu hơn.

Mụn thâm

Mụn nội tiết

Theo thống kê chung, có gần 50% nữ giới trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi bị mụn do sự rối loạn nội tiết tố. Đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi, tỷ lệ này giảm còn 25%.

Nguyên nhân của mụn nội tiết là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai và mãn kinh. Hoạt động của các tuyến dầu bị thay đổi, dẫn đến bùng phát bã nhờn, gây tắc lỗ chân lông, viêm đỏ, và mụn nội tiết.

Mụn nội tiết tố ở người trưởng thành lại xuất hiện rất thường ở dưới cằm, xung quanh góc hàm dưới hoặc má.

Mụn nội tiết

Mụn nhọt

Nhiều người thường nhầm lẫn mụn nhọt là mụn trứng cá. Tuy nhiên đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau. 

Mụn nhọt là những khối u viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có mủ trắng ở giữa. Nguyên nhân là do nang lông bị nhiễm trùng sau đó lan ra các vùng da xung quanh (thường là viêm đỏ), thời gian tiến triển 2-4 ngày.

Loại mụn này hay gặp nhất ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm và mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường). So với mụn bọc, mụn nhọt cấp tính và nguy hiểm, dễ gây nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến tử vong.

Mụn nhọt

Mụn cóc

Mụn có là một loại bệnh da liễu do virus HPV gây ra do xâm nhập vào những vết xước ngoài da, gây ra những u nhỏ, bề mặt sần sùi.

Mụn cóc thường xuất hiện ở bàn tay, cánh tay, chân gây mất thẩm mỹ. Tuy là loại mụn lành tính nhưng có khả năng lây lan ra những vùng khác của cơ thể. Ngoài ra, mụn có cũng dễ lây sang người khác khi sử dụng chung đồ cá nhân.

Mụn cóc

Mụn thịt

Mụn thịt là kết quả của các tuyến mồ hôi trên da bị rối loạn, tăng sản xuất mồ hôi dẫn đến phình to, hình thành các nốt u nhỏ, gồ trên da. Trong tất cả các bộ phận trên cơ thể thì mụn thịt xuất hiện ở quanh mắt, trên gò má là dễ bắt gặp nhất. 

Mụn thịt thường có màu trắng hoặc màu da, nhỏ li ti với kích thước rất bé từ 1-3mm, hơi cứng và sần sùi, không đau, không ngứa. Tuy không nguy hiểm nhưng mụn thịt khiến là da nhăn nheo, kém sắc và phá vỡ cấu trúc của da.

Mụn thịt cũng không thể tự hết được mà sẽ ngày càng lan rộng sang vùng khác. Nếu không có biện pháp điều trị triệt để sẽ khiến kết cấu vùng da bị thay đổi, lão hóa sớm hơn.

Mụn thịt

Các phương pháp trị mụn

Mỗi loại mụn tương ứng với tình trạng tổn thương của làn da, do đó cũng có các phương pháp trị mụn khác nhau.

Các phương pháp trị mụn
Các phương pháp trị mụn được các chị em tin tưởng lựa chọn

Trị mụn tại nhà

Đối với các loại mụn không viêm, bạn hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng cách bôi thuốc, mỹ phẩm đặc trị như serum hoặc sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên, các phương pháp dân gian.

Trị mụn tại bệnh viện da liễu

Khi da mặt xuất hiện mụn viêm, đây là thời điểm bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Mụn viêm có thể là mụn viêm đỏ, mụn mủ hay mụn bọc, dù bất cứ loại nào, dù nhiều hay ít. Đừng chần chừ khi da mặt có mụn viêm, vì sẽ có nguy cơ bị sẹo mụn sau này rất cao.

Tại đây, các bác sỹ sẽ dùng thuốc là chủ yếu để giải quyết các vấn đề về mụn. Ưu điểm là bạn sẽ được tiếp cận với các loại thuốc hoặc dược mỹ phẩm chính hãng, hiệu quả cao.

Trị mụn tại spa

Các spa trị liệu với sự hỗ trợ của các bác sĩ da liễu, không chỉ là nơi điều trị mà còn là địa điểm chăm sóc da lý tưởng cho các chị em.

Tại spa làm đẹp, bạn sẽ được chữa trị với nhiều công nghệ tiên tiến hơn và quy trình nhiều bước hơn. Tuy vậy, bạn cũng nên tìm hiểu và lựa chọn các spa uy tín để tránh xâm lấn làn da quá mạnh, gây hậu quả về sau.

Độ tuổi thường xuyên xuất hiện mụn

Theo thống kê của ngành da liễu Việt Nam năm 2018, có gần 16 triệu người bị mụn trứng cá, trong đó chiếm hơn 80% là những người trong độ tuổi từ 11 – 30, con số này nhỏ dần ở độ tuổi ngoài 30.

Tuổi dậy thì

Mụn được xem là dấu hiệu nhận biết không thể thiếu của tuổi dậy thì. Bởi khi bước vào độ tuổi này, nồng độ hormone androgen trong cơ thể sẽ tăng cao, thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, sản sinh nhiều dầu thừa và bã nhờn hơn. Điều này sẽ khiến lỗ chân lông bị tắc và vi khuẩn P.Acnes sẽ được dịp “tác oai tác quái”.

Tuổi ba mươi

Phụ nữ tuổi 30 bị mụn
Tỷ lệ phụ nữ tuổi 30 bị mụn ngày càng cao

Trong khi đó, mụn ở tuổi ba mươi lại là dấu hiệu của thay đổi nội tiết tố, stress hay đơn giản là chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa phù hợp. Các nguyên nhân này đều khiến da trở nên thiếu độ ẩm, dễ bị kích ứng, nhạy cảm và nổi mụn.

Bạn có biết, gần 54% phụ nữ Việt trên 30 tuổi gặp phải vấn đề mụn dù trước đó không bị đã không còn bị mụn từ lâu.

Các vị trí thường nổi mụn

Mụn có thể hình thành ở bất cứ đâu trên làn da của chúng ta như trên mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Tuy nhiên, các vị trí mụn ưa chuộng là nơi có nhiều lỗ chân lông như vùng chữ T trên mặt (trán và mũi), phần lưng trên, cằm.

Những đối tượng có xu hướng nổi nhiều mụn hơn

Nam giới

Da mặt của phái mạnh thường có xu hướng tiết bã nhờn nhiều hơn nữ giới. Đồng thời, các anh cũng ít khi sử dụng sữa rửa mặt để rửa mặt mà chỉ dùng nước lạnh. Bụi bẩn không được làm sạch càng có cơ hội tích tụ. Việc cạo râu không đúng cách dẫn đến tình trạng viêm lỗ chân lông, vi khuẩn tích tụ, gây mụn dễ dàng hơn.

Phụ nữ

Bên cạnh các nguyên nhân gây kể trên, phụ nữ thường xuyên gặp mụn như một dấu hiệu của chu kỳ kinh nguyệt. Stress tăng cao do nhịp độ công việc và cuộc sống hiện đại cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng mụn của các chị em.

Bà bầu

Thay đổi nội tiết tố ở mẹ bầu
Thay đổi nội tiết tố ở mẹ bầu cũng gây mụn

Trong thời gian mang bầu, cơ thể người mẹ sẽ có nhiều thay đổi về nội tiết, khiến da tiết nhiều dầu thừa hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các mẹ bầu gặp vấn đề với mụn trứng cá ở mặt, lưng, ngực, cổ,… gây ngứa ngáy, khó chịu.

Khi lựa chọn các sản phẩm trị mụn cho mẹ bầu, sự an toàn và lành tính là các yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu. Các mẹ bầu chỉ nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và không có chất  bảo quản để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Thời gian điều trị mụn

Trị mụn bọc cấp tốc chỉ sau 1 đêm

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp trị mụn cấp tốc chỉ sau 1 đêm, giúp làm giảm sưng tấy, rất cần thiết khi bạn cần tham gia những dịp quan trọng ngay hôm sau. Trong đó, các phương pháp từ thiên nhiên an toàn, lành tính được các chị em truyền tai nhau phải kể đến như chanh, nghệ, mật ong, tinh dầu tràm trà,…

Trị mụn ẩn trong 7 ngày

Do mụn ẩn nằm sâu dưới da nên cần nhiều thời gian hơn để đẩy mụn. Đừng bỏ qua bước xông hơi để làm giãn nở lỗ chân lông và giúp cồi mụn thoát ra dễ dàng.

1 tháng để làn da hết mụn

Trị mụn là một quá trình đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Chăm chỉ thực hiện mỗi ngày, đầy đủ các bước và kiên nhẫn với các phương pháp và sản phẩm bạn đã lựa chọn. Bởi vì cơ địa mỗi người đều khác nhau nên hiệu quả của từng phương pháp trên từng làn da là không giống nhau.

Chăm sóc da mụn với 5 bước đơn giản

chăm sóc da
Làm sạch là bước đầu tiên để chăm sóc da mụn

Da mụn do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu chung, các yếu tố đều dẫn đến làn da bị tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn. Vì vậy, quy trình chăm sóc da mụn cần đảm bảo các bước sau đây để trị mụn hiệu quả và ngăn ngừa mụn quay trở lại.

  • Bước 1: Làm sạch da với tẩy trang và sữa rửa mặt
  • Bước 2: Tẩy tế bào chết hoặc xông hơi mặt
  • Bước 3: Sử dụng toner để cân bằng độ pH cho làn da
  • Bước 4: Cung cấp độ ẩm để da khỏe mạnh và bớt tiết dầu hơn
  • Bước 5: Sử dụng dưỡng chất trị mụn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *